Sau hơn 7 năm (kể từ ngày 23/10/2017) chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU; qua 04 đợt thanh tra của EC, đến nay, công tác chống khai thác IUU đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, Việt Nam đã cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 (vào tháng 10/2023). EC đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam trong tháo gỡ “Thẻ vàng”.
Tính đến ngày 06/01/2025, Việt Nam đã rà soát, nắm chắc số lượng tàu cá cả nước là 84.536 chiếc; trong đó số lượng tàu cá đã đăng ký được cập nhật trên VN-Fishbase là 83.648 chiếc (đạt 98,9%). Tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên tham gia hoạt động khai thác thủy sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 28.312 chiếc (đạt 100%).
Số lượng tàu cá không đủ điều kiện đi khai thác, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU đã được các địa phương lập danh sách, cập nhật trên hệ thống giám sát tàu cá và giao cho lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở theo dõi quản lý, cập nhật thường xuyên vị trí neo đậu. Việc kiểm soát tàu cá ra vào, xuất nhập bến và hoạt động trên biển đã có nhiều tiến bộ. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được các địa phương thực hiện chặt chẽ hơn trước. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp vi phạm khai thác IUU đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Đối với việc giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước đã được rà soát, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật trong công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác: Cập nhật sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng hàng ngày tại cảng cá trên công cụ Googlesheet để theo dõi, giám sát. Thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu; đến nay đã có 86 cảng cá, điểm lên cá tổ chức thực hiện.
Đã cơ bản hoàn thành xử lý tàu cá “3 không”. Các địa phương đã lập danh sách, cập nhật trên hệ thống giám sát tàu cá và giao lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở theo dõi quản lý, cập nhật thường xuyên vị trí neo đậu đối với số tàu cá không đủ điều kiện đi khai thác, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.
Đặc biệt, đã ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, kiểm soát việc giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng; thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) để đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Việc kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế và khuyến nghị của EC.
Công tác thực thi pháp luật, xử lý hình sự, xử phạt vi phạm hành chính đã được các địa phương quyết liệt triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc răn đe, giáo dục trong cộng đồng ngư dân. Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt.
Về xử lý hình sự: cả nước đã khởi tố 32 vụ hình sự liên quan đến hành vi môi giới, móc nối, xuất cảnh trái phép đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; gửi, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hợp thức hóa hồ sơ vi phạm IUU… Việc xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là xử lý các hành vi vi phạm về ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá, khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục được tăng cường hơn trước.
Đáng chú ý, cuộc họp trực tuyến của Bộ NN&PTNT với Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 11/2024, về cơ bản thống nhất các kết quả, ý kiến giải trình đối với các khuyến nghị của EC trong công tác chống khai thác IUU và hiện tiếp tục bổ sung các nội dung liên quan theo yêu cầu của EC trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang thanh tra thực tế lần thứ 5.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay Việt Nam vẫn còn một số nhiệm vụ chống khai thác IUU chậm khắc phục. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích, làm rõ nguyên nhân và bàn giải pháp khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế; quyết tâm gỡ “Thẻ vàng” của EC.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU (nhất là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán); kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ cảnh báo thẻ vàng của cả nước.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, đảm bảo đúng tiến độ, có kết quả, sản phẩm cụ thể để chứng minh tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC (dự kiến vào tháng 5 hoặc tháng 6/2025).
Tập trung đẩy mạnh ứng dụng KHCN, tiếp tục rà soát, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quản lý nghề cá đảm bảo kiểm soát theo chuỗi từ tàu cá đến cơ quan quản lý thủy sản (Cảng cá, Chi cục) và doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản; tích hợp liên thông, thống nhất, đồng bộ tất cả các dữ liệu liên quan đến tàu cá, chủ tàu, thuyền trưởng, sản lượng khai thác, Nhật ký khai thác, tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác… vừa đảm bảo thuận tiện, dễ dàng cho người dân sử dụng vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch hợp pháp đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Bên cạnh đó, xác định rõ các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác IUU, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xử lý mạnh các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, xử lý các hành vi cố ý vi phạm; xử lý các hành vi có tính chất bao che; phân cấp cụ thể đối với việc quản lý đội tàu. Xử lý các tàu cá vi phạm theo đúng thẩm quyền.
Xây dựng các công cụ quản lý, quy định cụ thể mùa đánh bắt thủy hải sản để quản lý ngư trường bền vững. Tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế biến vi phạm về xuất xứ hàng hóa.
Rà soát chức năng của các cảng cá; bổ sung thêm nhiệm vụ đối với các cảng cá tư nhân để các cảng cá này cung cấp được các dịch vụ đối với các tàu cá. Tiến hành định danh điện tử cho tàu và các chủ tàu; bổ sung trách nhiệm quản lý đội tàu cho Công an các xã ven biển…
Ngọc Thúy - FICen